Thị trường vĩ mô
Ủy ban Chứng khoán và Trao đổi Hoa Kỳ thông qua Quỹ giao dịch trao đổi tương lai Bitcoin (Bitcoin futures ETF)
- Ủy ban Chứng khoán và Trao đổi Hoa Kỳ đã bật đèn xanh cho Quỹ giao dịch trao đổi tương lai Bitcoin sau cuộc họp ngày thứ 6 vừa qua. Quỹ giao dịch trao đổi tương lai Bitcoin có thể được ra mắt vào thứ Hai ngày 18 tháng 10. Tuy nhiên việc mua bán quỹ này sẽ không được bắt đầu ngay lập tức.
- Việc Quỹ trao đổi BTC được thông qua là một trong những lý do khiến cho giá của BTC tăng lên trên ngưỡng $62,000.
- Lợi ích chính mà Quỹ trao đổi tương lai BTC mang lại cho các nhà đầu tư truyền thống là cho phép họ đầu tư vào BTC mà không thật sự phải giữ BTC. Điều đó đồng nghĩa với việc họ không phải lưu giữ và bảo đảm an toàn cho ví điện tử. Tuy nhiên, Quỹ trao đổi này cũng có một số hạn chế bao gồm Quỹ trao đổi BTC theo dõi giá của BTC trong tương lai chứ không phải giá của BTC tại thời điểm hiện tại, do đó giá của Quỹ trao đổi tương lai BTC có thể cao hơn giá trị hiện tại của BTC nếu như thị trường tăng trưởng mạnh, và có giá thấp hơn (giá hiện tại của BTC) khi thị trường đi xuống. Thêm vào đó, nhà đầu tư vào Quỹ trao đổi tương lai BTC phải trả thêm một số khoản phí cho bên môi giới và bên cung cấp hợp đồng tương lai. Khi sử dụng hợp đồng tương lai, bên môi giới phải mua các hợp đồng tương lai và gia hạn các hợp đồng này khi đến hạn, chi phí của việc này sẽ được chuyển qua cho các nhà đầu tư.
Phân khúc NFT
- Sau Binance, FTX và Coinbase cho ra mắt sàn giao dịch NFT
Sự phát triển của các sàn giao dịch NFT cho thấy sự phát triển của “nền kinh tế nhà sáng tạo” và là cách để thu hút những người không sử dụng tiền điện tử đến với blockchain và tiền điện tử. Điển hình như OpenSea đã trở thành “kỳ lân” trong không gian tiền điện tử với khối lượng giao dịch vào tháng trước là hơn $2.7 tỷ đô la. Thành công của OpenSea đến từ thiết kế thân thiện và dễ dàng cho người dùng. OpenSea cũng có nhiều bộ lọc để người dùng có thể chọn ra bộ sưu tập NFT mà họ thích, hay tìm kiếm NFT có một đặc tính hiếm nhất định. Thêm vào đó, khi đúc (mint) NFT, người dùng không cần phải trả phí; phí sẽ được khấu trừ khi NFT đó được bán.
- FTX cho ra mắt sàn giao dịch NFT hỗ trợ blockchain Solana
Tại thời điểm hiện tại, sàn giao dịch NFT của FTX chỉ hỗ trợ cho các NFT phát triển trên blockchain của Solana. Người dùng có thể gửi NFT vào ví trên FTX hay đúc (mint) NFT mới. Một lợi ích khác của sàn giao dịch NFT của FTX là người dùng có thể mua bán NFT sử dụng các phương thức thanh toán truyền thống như chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng hay sử dụng thẻ tín dụng. Việc cho phép người dùng sử dụng các phương thức thanh toán truyền thống sẽ giúp đưa NFT đến số đông đảo người dùng, kể cả những người không quá quen thuộc với tiền điện tử. Thêm vào đó, FTX là một trong những bên “shill” rất nhiều cho Solana trong thời gian vừa qua, do đó không có gì lạ khi FTX lại chọn Solana là blockchain đầu tiên mà họ hỗ trợ giao dịch NFT. Trong tương lai, FTX có kế hoạch sẽ hỗ trợ thêm các NFT xây dựng trên Ethereum và trên các blockchain khác. Hiện nay các NFT trên Ethereum chiếm phần lớn khối lượng giao dịch của thị trường NFT.
Tuy nhiên, để mua bán NFT trên sàn FTX, người dùng phải thông qua KYC mức độ 1 và để chuyển các NFT có giá trị cao vào ví cá nhân, người dùng phải thông qua KYC mức độ 2. Việc phải thực hiện KYC có thể không thích hợp với một số người dùng, những người muốn ẩn đi danh tính của mình. Sàn giao dịch NFT của FTX sẽ có mức phí rẻ hơn so với mức phí hiện tại của OpenSea, mức phí của FTX là 2%, so với mức phí 2.5% của Opensea.
- Coinbase sắp cho ra mắt sàn giao dịch Coinbase NFT
Coinbase NFT sẽ là sàn giao dịch giữa người dùng và người dùng, do đó, người dùng sẽ không phải thực hiện KYC và các giao dịch sẽ được kết nối trực tiếp với ví của người dùng. Coinbase NFT cho phép người dùng đúc (mint), và mua bán NFT. Hiện tại sàn giao dịch NFT của Coinbase sẽ chỉ dành cho các công dân Mỹ trên 18 tuổi, và trong tương lai Coinbase sẽ mở rộng thị trường của mình đến các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 1 triệu người đăng ký tham gia waitlist của Coinbase NFT.
- Steam bỏ các game NFT ra khỏi hệ thống của mình, trong khi đó Epic Games thể hiện sự ủng hộ của họ với các game blockchain.
Trong bản cập nhật trang giới thiệu của Steam dành cho các đối tác và người dùng Steamworks, Steam thông báo họ sẽ sớm cấm các trò chơi liên quan đến NFT trên nền tảng Steam. Các nhà phát hành game cho biết các game của họ liên quan đến NFT đã bị xóa khỏi Steam. Lý do được Steam đưa ra là các vật phẩm NFT có giá trị thực tế, do đó họ không cho phép các sản phẩm có giá trị thực tế tồn tại trên Steam. Trái ngược với Steam, Epic Game CEO - Tim Sweeney cho biết Epic Games sẽ hỗ trợ các game sử dụng công nghệ blockchain chỉ cần các game này đảm bảo tuân thủ luật pháp, có các điều khoản rõ ràng, và dành cho các đối tượng thích hợp. Kế hoạch tương lai của Epic Games là phát triển Metaverse, do đó nền kinh tế ảo (bao gồm cả nền kinh tế tiền ảo) sẽ là một phần rất quan trọng của sự phát triển Metaverse.
Smart Contract Platform
Giá của BNB đã tăng hơn 20% sau khi Binance thông báo quỹ phát triển trị giá 1 tỷ đô-la.
Giá của BNB đã tăng từ $392.44 lên $467.89 sau khi thông tin này được nêu ra. Quỹ phát triển này của Binance là quỹ phát triển lớn nhất của dạng này từ trước đến nay. Quỹ phát triển sẽ được dành cho 4 nhóm phát triển chính bao gồm:
- $100 triệu đô-la sẽ được dùng để phát triển các chương trình Tài năng bao gồm các chương trình giáo dục và đào tạo, học bổng, boot camps, và các chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ blockchain.
- $100 triệu đô-la sẽ dành cho các Chương trình Khuyến khích Thanh khoản. Hai dự án đầu tiên nhận được tài trợ là MCDEX.io and Deri.finance. Đây là hai dự án làm về sàn giao dịch phi tập trung dành cho các giao dịch phát sinh. Sàn giao dịch phát sinh là một mảng khá mới trong DeFi, và nhu cầu của người dùng đối với các sản phẩm đầu tư phát sinh đang ngày một tăng cao.
- $300 triệu đô-la được sử dụng cho chương trình Xây dựng và Ươm mầm tài năng. Trong đó, $100 triệu đô sẽ được dùng cho các chương trình hackathon, phần còn lại $200 triệu đô sẽ dùng để mở rộng chương trình “Người xây dựng có giá trị nhất” và ươm mầm 100 dự án Dapps và giao thức cơ sở hạ tầng.
- $500 triệu đô-la được dự trữ để dành cho việc thúc đẩy ứng dụng blockchain vào các lĩnh vực truyền thống bao gồm: phát triển máy tính phi tập trung, trò chơi, metaverse, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo và các dịch vụ tài chính.
- Theo xu hướng gia tăng của thị trường NFT, Binance cũng cho ra mắt sàn giao dịch NFT dành cho các tác phẩm nghệ thuật và các vật phẩm trong games. Do số lượng lớn các trò chơi hiện nay đang được xây dựng trên BSC do đó sàn giao dịch NFT của Binance được xây dựng để đáp ứng nhu cầu trao đổi và mua bán các vật phẩm NFT trong trò chơi.
Polkadot cho ra mắt parachains
- Sau một thời gian dài thử nghiệm, Polkadot đã cho ra mắt parachains. Phiên đấu giá đầu tiên cho parachain sẽ được diễn ra vào ngày 11/11. Polkadot là nền tảng blockchain layer-0, và là nền tảng để xây dựng các blockchain khác. Mỗi parachain là một blockchain riêng biệt và được kết nối vào blockchain chính và sử dụng blockchain chính để bảo mật và xác thực các giao dịch. Tuy nhiên vì số lượng parachain giới hạn ở 100, do đó các nhà phát triển phải tham gia phiên đấu giá để dành chỗ trong 100 parachain đó. Việc đấu giá sẽ sử dụng DOT, do đó nhu cầu sở hữu DOT đã tăng mạnh trong tuần vừa qua. Trước đó, Polkadot đã thử nghiệm parachain trên Kusama.
- Sau thông báo về sự ra mắt của parachains và một số chương trình khuyến khích thu hút người dùng khác thì giá của DOT đã tăng 25%.
- Để tạo điều kiện cho những người mới đến với thế giới crypto, Polkdadot đã tạo ra chương trình Polkadot Gifts và Kusama Gifts. Là một chương trình tương tự như thẻ quà tặng truyền thống mà người nhận quà có thể đổi nó lấy DOT. Khi đổi thẻ quà tặng, người dùng sẽ được hướng dẫn cách tạo tài khoản và tạo ví trên Polkadot hoặc Kusama. Nếu như họ đã có tài khoản, số tiền trong thẻ quà tặng sẽ được chuyển trực tiếp đến ví của họ. Trong thời gian gần đây, nhiều dự án đã xây dựng các chương trình khuyến khích “người dùng giới thiệu người dùng mới” để thu hút người dùng mới thay vì tập trung vào việc đưa ra lãi suất cao. Những người tham gia vào một blockchain mới hay một dự án mới vì lãi suất cao sẽ rời bỏ sau khi lãi suất giảm xuống. Các chương trình giới thiệu cho bạn bè thông qua hình thức thẻ quả hay Share2earn được hi vọng sẽ thu hút được những người dùng quan tâm thật sự đến blockchain. Ví dụ như dự án Valkyrie Protocol, được hỗ trợ bởi Do Kwon, đã cho ra mắt chương trình giới thiệu Share2Earn mà cả người giới thiệu và người được giới thiệu đều nhận được quà.
- Sắp tới, để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái Polkadot, họ sẽ bắt đầu chương trình Hackathon. Mở đầu của chương trình Hackathon là ở châu Á vào ngày 22/10. Tổng giải thưởng của chương trình này là $30,000.
Avalanche đầu tư vào Colony.
Colony là một dự án thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái cho Avalanche dựa trên nguồn quỹ từ cộng đồng. Colony sẽ đầu tư vào các dự án mới trong giai đoạn đầu của các dự án đó giúp các dự án này phát triển được tiềm năng của mình. Mô hình hoạt động của Colony bao gồm 4 mảng chính: cung cấp nguồn vốn cho các dự án được xây dựng trên Avalanche, cung cấp tính thanh khoản cho các dự án Defi đang chạy trên Avalanche, mua và stake AVAX và trả lãi cho các nhà đầu tư, mua token của một số dự án trên Avalanche để tạo Index. Trong tương lai Colony sẽ phát triển toàn diện thành một DAO đầu tư.
Colony vừa kết thúc vòng gọi vốn ban đầu với mức vốn gọi được là $1 triệu đô-la. Do Colony là quỹ cộng đồng, các nhà đầu tư tham gia vào Colony bằng việc mua và stake $CLY, token của Colony. Khối lượng nhỏ nhất mà người dùng cần để stake vào Colony chưa được thông báo, và thời gian tối thiểu của việc staking là 20 ngày. Các nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận là AVAX cùng với các chương trình airdrop của các dự án được Colony đầu tư. Với các nhà đầu tư lớn, họ có quyền tham gia vào công việc quản lý và bầu chọn cho các dự án để Colony đầu tư.